Làm việc cùng với công dân nước ngoài có thị thực Mỹ tạm thời hay thẻ thường trú nhân (Thẻ Xanh) đôi khi là thách thức đối với những nhân viên quốc tịch Mỹ. Sự khác biệt về cách thức giao tiếp, trình độ tiếng Anh và hàng loạt phong tục cũng như quy tắc có thể dẫn đến nhiều vấn đề phức tạp tại nơi làm việc. Và không ngạc nhiên khi người Mỹ cảm thấy tự hào là một đất nước với các nền văn hóa đa dạng, nhưng đôi khi sự kết hợp này lại tạo ra những khác biệt về quan điểm và thế giới quan.
Giải pháp
Với quá nhiều phong cách sống, quy tắc và kỳ vọng đối lập, nhân viên phải làm gì? Giả sử nhân viên nào đó trong phòng công nghệ thông tin do bạn quản lý cảm thấy khó chịu với một đồng nghiệp Ấn Độ đang làm việc tại Mỹ. Nhân viên Mỹ phàn nàn là nhân viên Ấn Độ thường đi họp muộn và hiếm khi từ chối khách hàng dẫn đến những công việc phát sinh, không theo kế hoạch. Ngoài ra, nhân viên Ấn Độ không bao giờ làm việc khẩn trương và không hề tiếc nuối khi công việc buộc phải trì hoãn. Trong khi đó, nhân viên Ấn Độ cảm thấy đồng nghiệp người Mỹ của mình lúc nào cũng vội vã và đôi khi tỏ ra thô lỗ.
Bạn cần biết rằng hai nhân viên này đến từ hai quốc gia khác nhau, và nếu không phải là người hiểu biết sâu sắc về cách thức và văn hóa làm việc ở Ấn Độ, tốt nhất là bạn nên gặp từng người và để họ tự thừa nhận hạn chế của bản thân. Nếu nhân viên Mỹ Peter, phàn nàn trước về nhân viên Ấn Độ Raj, sau khi lắng nghe ý kiến của Peter, bạn hãy nói chuyện với Raj theo cách sau:
Raj, hôm nay Peter nói với tôi là có vấn đề xảy ra giữa hai người. Đặc biệt, Peter phản ánh là anh thường rất chậm trong việc trả lời yêu cầu của khách hàng, không lo lắng về những trì hoãn trong công việc, và cũng không biết cách từ chối người khác. Peter cảm thấy chán nản vì hai người không thể hoàn thành tất cả công việc đúng kế hoạch và khó chịu vì anh nhận thêm việc ngay cả khi anh không thể hoàn thành đúng dự kiến công việc ban đầu. Điều Peter phàn nàn có đúng không và nếu vậy, chúng ta có thể làm gì để cùng giải quyết vấn đề này?
Bạn đừng ngạc nhiên nếu Raj thừa nhận một vài vấn đề trong số này và anh ta cho rằng một phần nguyên nhân là do khác biệt về văn hóa cũng như kỳ vọng. Anh ta có thể nói với bạn rằng ở Ấn Độ, việc từ chối trực tiếp được coi là hành động thiếu lịch sự và thô lỗ. Anh ta cũng có thể nói là công việc kinh doanh thông thường có tiến độ dễ chịu và ít phải chú trọng đến thời hạn hơn mà chủ yếu là xây dựng mối quan hệ.
Bạn nên tiếp tục cuộc nói chuyện với Raj và giải thích về các kỳ vọng ở công ty. “Không” và “không phải lúc này” là những cách phản ứng thích hợp với các yêu cầu không tính trước có thể làm đảo lộn kế hoạch sản xuất của bộ phận bạn quản lý. Báo cáo đúng thời điểm hoặc sớm hơn là điều kiện tiên quyết để đạt thành công. Và đáp ứng đúng kế hoạch gắn liền với ngân sách của bộ phận, vì vậy nhận thức được áp lực mà bộ phận bạn phải đối mặt trong việc kiểm soát tổng chi phí giúp thể hiện rõ ràng hơn kỳ vọng của bạn
đối với Raj trong môi trường kinh doanh cụ thể này.
Khi gọi cả Peter và Raj đến văn phòng để trao đổi và tìm ra một giải pháp chung, bạn có thể mở đầu cuộc nói chuyện theo cách sau:
Peter và Raj, tôi muốn trao đổi với hai bạn để cùng tìm ra giải pháp cho những vấn đề đang tồn tại. Peter, tôi đã gặp anh vào thứ Tư để trao đổi về một số vấn đề liên quan đến Raj. Anh phản ánh với tôi rằng Raj gặp khó khăn khi từ chối khách hàng, điều khiến khối lượng công việc của anh tăng lên. Anh cũng khó chịu khi Raj thường đến họp muộn và có thói quen tùy tiện lùi thời hạn công việc.
Raj, tôi đã gặp anh để trao đổi về ý kiến của Peter đối với anh và anh đã chia sẻ với tôi về những khác biệt trong văn hóa Ấn Độ, việc từ chối khách hàng, đến họp muộn và trì hoãn công việc. Raj, quan trọng là chúng ta cùng thảo luận về các kỳ vọng của công ty cũng như của phòng, và anh đã đồng ý rằng cần phải đáp ứng được những kỳ vọng đặt ra.
Đặc biệt, anh hứa từ giờ sẽ cẩn trọng hơn khi lịch thiệp từ chối khách hàng, và nếu cảm thấy không thoải mái khi làm như vậy, anh hãy để Peter giúp. Thế có được không? [Vâng.]
Anh cũng nói sẽ tích cực báo cáo công việc tại các buổi họp hơn và bảo đảm rằng dự án bị trì hoãn là do bất khả kháng. Anh cũng cam kết thông báo trước cho Peter nếu một dự án nào đó hoàn thành không đúng thời hạn. Đó có phải là những điều mà chúng ta đã thảo luận không? [Đúng vậy.]
Tốt. Vậy Raj này, anh có muốn trao đổi với Peter điều gì không – bất cứ câu hỏi, mối quan tâm hay gợi ý nào mà anh muốn chia sẻ với Peter và tôi? [Không. Tôi nghĩ vấn đề là do chúng ta khác biệt về cách nhìn nhận thôi.]
Peter, anh đã nghe điều chúng tôi trao đổi và bây giờ đi đến thống nhất. Anh có muốn chia sẻ điều gì với Raj trong buổi gặp mặt này không? [Không. Chỉ có điều tôi hy vọng là anh (Raj) không phật ý khi tôi đến gặp Paul nhờ giúp đỡ bởi vì thực sự không biết cách nào để giải quyết vấn đề này. Nhưng tôi mong muốn được tiếp tục làm việc cùng anh, nhất là giờ chúng ta đã giải quyết xong những vướng mắc.]
Những vấn đề khúc mắc không phải lúc nào cũng mang tính đối đầu, và bạn cần nhẹ nhàng nhắc nhở Raj về kỳ vọng của phòng ban sau khi lắng nghe suy nghĩ của anh ta, dẫn đến sự thống nhất hợp lý nhằm điều chỉnh cách nhìn nhận vấn đề của anh ta.
(Trích sách “101 tình huống nhân sự nan giải” – PAUL FALCONE)
📌 ACE có nhu cầu đào tạo thì LIÊN HỆ với Shasu Training qua hotline: 0918150881 để được tư vấn cụ thể nhé.
📌 Để được cập nhật một cách nhanh nhất về các xu hướng đào tạo, thân mời ACE tham gia vào Group Zalo: https://zalo.me/g/aiaujw025
Tại đây, Shasu Training luôn cập nhật các khóa đào tạo và hỗ trợ ACE làm Kế hoạch đào tạo (annual training plan).
Trân trọng,
Training Solutions – Đồng hành & cho nhau giá trị
🔸 Web: https://training.shasugroup.com
🔸 Facebook: https://www.facebook.com/shasutrainingsolutions