Giải quyết các vấn đề về thái độ của nhân viên là một trong những thách thức mà nhà quản lý thường gặp nhất. Bạn biết mình có vấn đề cần xử lý khi bạn nhận thấy thái độ không tôn trọng của nhân viên được thể hiện bằng hành động nhướn lông mày, thở dài và các cử chỉ khác.
Nhà quản lý có xu hướng tránh đối đầu với các nhân viên hay cáu giận. Tuy nhiên, cảm giác cáu giận kéo dài thường dẫn đến việc nhân viên đó bị mọi người công khai lảng tránh và cô lập. Đôi khi những cảm xúc dồn nén đó dẫn đến việc cãi vã nơi công cộng khi giọt nước tràn ly và sự việc vượt khỏi tầm kiểm soát.
Giải pháp
Khi giải quyết vấn đề thường gặp này, bạn cần ghi nhớ hai điều quan trọng. Thứ nhất, nói chuyện riêng với nhân viên đó về đánh giá của bạn đối với hành vi của cô ấy. Hãy nói cụ thể và vẽ nên một bức tranh tổng quát bằng ngôn từ để nhân viên đó có thể hiểu rõ về những thái độ cần thay đổi. Hãy đề nghị cô ấy giúp giải quyết vấn đề đang tồn tại và cả hai cần cam kết lắng nghe ý kiến của nhau cũng như cải thiện tình hình. Thứ hai, tránh dùng những từ ngữ như thái độ trong cuộc nói chuyện và thay thế nó bằng những từ như cách ứng xử hay cư xử, những từ chung chung và khách quan hơn.
Điều thú vị là từ thái độ mang tính chủ quan, kích động và thường làm tăng mâu thuẫn do nó tạo ra cảm giác tức giận. Vì vậy, bạn cần tránh dùng từ đó trong cuộc nói chuyện hay văn bản kỷ luật.
Khi bạn cố gắng giải quyết vấn đề về cách giao tiếp với một trong những nhân viên của mình, hãy vẽ ra một bức tranh tổng quát bằng ngôn từ như sau:
Lisa, tôi cần chị giúp chuyện này. Tôi cảm thấy chị có vẻ tức giận với tôi hay với ai đó trong nhóm. Có thể tôi nhận định sai nhưng đó là đánh giá chân thực về cảm xúc chị thể hiện. Tôi không biết điều gì khiến chị khó chịu như thế và hãy cho tôi biết nếu tôi có thể giúp chị.
Chị làm tôi cảm thấy khó xử trước mặt các thành viên khác khi nhướn mày, thở dài và nói: “Được thôi, tôi sẽ làm!” Ngôn ngữ cơ thể của chị cũng đầy khiêu khích khi chị vênh mặt lên và chống tay vào hông.
Hay chị thấy việc tôi yêu cầu chị phải hoàn thành công việc đúng kế hoạch là không thích hợp? Tôi có phải theo dõi sát thời hạn hoàn thành dự án của chị hay chị phải có trách nhiệm thông báo với tôi về tiến độ dự án? Chị cảm thấy thế nào khi là người quản lý và một trong số nhân viên của chị phản ứng theo cách đó ngay trước mặt những người khác? Chị cảm thấy thế nào nếu tôi phản ứng lại đòi hỏi của chị với giọng điệu và hành động như vậy? Chị có thấy tôi thiếu tôn trọng chị hay tôi phải hạ mình trước chị, nhất là trước mặt những người khác trong nhóm?
Hãy chú ý đến những điểm nổi bật trong đoạn nói chuyện trên: “Chị làm tôi cảm thấy…” và “Chị cảm thấy thế nào…” là những cụm từ thường được sử dụng khiến người khác cảm thấy có lỗi. Cảm giác không đúng hay sai – nó chỉ là chính nó. Khi kết hợp những cụm từ như vậy với một tuyên bố cởi mở như “Chúng ta có cảm nhận khác biệt về vấn đề này,” nhân viên thường sẵn lòng lắng nghe ý kiến của bạn. Mọi vấn đề đều có tính hai mặt, và thường là nhân viên sẽ không phủ nhận trách nhiệm của mình nếu nó được trao đổi
một cách thích hợp. Tuy nhiên, điều nhân viên mong muốn là người quản lý lắng nghe và quan tâm tới mình. Do đó, hãy nắm bắt cơ hội này để giải quyết vấn đề thông qua trao đổi bằng tuyên bố chấm dứt đối đầu và lắng nghe với thái độ khách quan.
(Trích sách “101 tình huống nhân sự nan giải” – PAUL FALCONE)
📌 ACE có nhu cầu đào tạo thì LIÊN HỆ với Shasu Training qua hotline: 0918150881 để được tư vấn cụ thể nhé.
📌 Để được cập nhật một cách nhanh nhất về các xu hướng đào tạo, thân mời ACE tham gia vào Group Zalo: https://zalo.me/g/aiaujw025
Tại đây, Shasu Training luôn cập nhật các khóa đào tạo và hỗ trợ ACE làm Kế hoạch đào tạo (annual training plan).
Trân trọng,
Shasu Training Solutions – Đồng hành & cho nhau giá trị
🔸 Web: https://training.shasugroup.com/
🔸 Facebook: https://www.facebook.com/shasutrainingsolutions