Phỏng vấn xin việc có lẽ là bước quan trọng nhất mà bạn sẽ thực hiện trong hành trình tìm kiếm việc làm của mình – đó là cơ hội tốt nhất để nhà tuyển dụng thấy rằng bạn là người phù hợp với doanh nghiệp của họ. Vì thế, việc chuẩn bị cho buổi phỏng vấn là vô cùng cần thiết, ngay cả khi bạn đã trải qua nhiều cuộc phỏng vấn trước đây thì cũng không thể xem nhẹ tầm quan trọng của bước chuẩn bị này. Bạn càng dành nhiều thời gian chuẩn bị bạn sẽ càng cảm thấy thoải mái, bình tĩnh, tự tin hơn trong cuộc phỏng vấn thực tế.
Ngoài ra, việc chuẩn bị kĩ càng sẽ giúp bạn ghi điểm với nhà tuyển dụng, cho họ thấy rằng bạn thật sự mong muốn công việc này và có dành thời gian đầu tư cho buổi phỏng vấn. Khi đó, có thể bạn sẽ trở thành ứng viên lý tưởng cho vị trí nhân viên mới tiếp theo của công ty.
Dưới đây là một số dặn dò trước phỏng vấn, trong phỏng vấn và sau phỏng vấn mà nhà HR Strategy muốn gửi đến ứng viên để giúp bạn có một trải nghiệm phỏng vấn tích cực và thành công.
7 lời khuyên trước khi phỏng vấn
- Nghiên cứu về công ty tuyển dụng.
Tìm hiểu về công ty tuyển dụng sẽ giúp bạn tự tin bước vào một cuộc phỏng vấn và có cái nhìn sâu sắc về các mục tiêu, kế hoạch trong tương lai của tổ chức. Người phỏng vấn có thể hỏi bạn hiểu như thế nào về vị trí của công ty họ trong ngành, đối thủ của công ty là ai, lợi thế cạnh tranh của nó là gì…Nếu câu hỏi này không được hỏi, bạn nên cố gắng chứng minh những gì bạn biết về công ty bằng cách kết hợp những gì bạn đã tìm hiểu được vào câu trả lời của mình.
Tìm hiểu những điểm tương đồng giữa bạn & văn hóa công ty. Điều này sẽ giúp bạn ghi điểm trong mắt nhà tuyển dụng, cho họ cảm thấy bạn thật sự quan tâm đến vị trí ứng tuyển và mong muốn được đồng hành công ty trong tương lai.
2. Đọc lại bản mô tả công việc.
Bạn hãy in nó ra và nhấn mạnh các kỹ năng cụ thể mà nhà tuyển dụng đang tìm kiếm. Hãy nghĩ về các công việc bạn đã làm trong trước đây, câu lạc bộ hoặc các vị trí tình nguyện cho thấy bạn có kinh nghiệm và có thể mang lại giá trị cho doanh nghiệp của họ.
3. Chuẩn bị và thực hành trước câu trả lời cho các câu hỏi phỏng vấn thông thường.
Hãy chuẩn bị những câu chuyện liên quan đến các kỹ năng mà nhà tuyển dụng mong muốn, đồng thời nhấn mạnh:
- Điểm mạnh
- Khả năng linh hoạt
- Kỹ năng lãnh đạo
- Tinh thần học hỏi những điều mới
- Những đóng góp cho các tổ chức mà bạn đã làm
- Sáng tạo trong việc giải quyết vấn đề
Và sẽ tốt hơn nếu bạn thực hành trả lời trước gương hoặc nhờ một người bạn cùng thực hành song song cùng bạn.
4. Sử dụng phương pháp STAR trong việc trả lời câu hỏi.
Áp dụng phương pháp STAR để kể về những kinh nghiệm trước đây của bạn.
STAR là viết tắt của
- Situation – tình huống bạn phải đối phó
- Task – nhiệm vụ bạn được giao
- Action – hành động bạn đã thực hiện
- Result – điều gì đã xảy ra do hành động của bạn và bạn học được gì từ nhiệm vụ đó
Ví dụ
Hãy kể cho tôi nghe về một sự việc mà bạn đã thể hiện kỹ năng lãnh đạo của mình.
- Tình huống: Trong công việc tiếp thị kỹ thuật số trước đây, công ty muốn có nhiều người đăng ký nhận bản tin nhưng kết quả lại không nhận được nhiều sự chú ý.
- Nhiệm vụ: Công việc của tôi là tìm cách thu hút nhiều người đăng ký hơn.
- Hành động: Tôi đã tổ chức một cuộc họp với các thành viên quan trọng của nhóm tiếp thị để đưa ra các ý tưởng sáng tạo và tôi đã dẫn đầu chiến dịch truyền thông xã hội để thu hút sự quan tâm của người dân
- Kết quả: Trong khoảng thời gian 3 tháng, số lượt đăng ký nhận bản tin đã tăng 25% và cách tiếp cận mà tôi thực hiện đã được nhóm quản lý ở các bộ phận khác áp dụng.
5. Chuẩn bị các câu hỏi thông minh cho người phỏng vấn của bạn.
Phỏng vấn là một con đường hai chiều. Vì thế hãy chuẩn bị ít nhất hai câu hỏi xuất phát từ những gì bạn cần biết để đánh giá vị trí cũng như môi trường làm việc phía công ty nhà tuyển dụng để chắc chắn rằng đây là công việc phù hợp với bạn.
6. Lên kế hoạch cho trang phục phỏng vấn của bạn vào đêm hôm trước.
Hãy lựa chọn trang phục lịch sự, kín đáo nhưng đảm bảo thoải mái trong quá trình phỏng vấn chính là lời khuyên dành cho bạn. Lưu ý tránh xa những trang phục rườm rà, màu sắc lòe loẹt để tránh gây ảnh hưởng đến bạn và nhà tuyển dụng trong quá trình phỏng vấn
Bên cạnh đó, bạn cũng nên chú ý đến một vài chi tiết nhỏ nhặt khác như đảm bảo tóc tai đã gọn gàng, móng tay đã cắt giũa sạch sẽ… để tạo nên phong thái chuyên nghiệp cho bản thân.
7. Đến sớm khoảng 10-15 phút.
Hãy xem trước quãng đường đến nơi phỏng vấn để đảm bảo bạn sẽ đến đúng giờ. Bạn nên đến sớm hơn khoảng 10 – 15 phút trước giờ hẹn, giúp đầu óc bạn tỉnh táo và quen với không khí nơi phỏng vấn tuy nhiên cũng đừng đến quá sớm để tránh ảnh hưởng đến công việc của nhà tuyển dụng
5 lời khuyên trong buổi phỏng vấn
Sau khi đã dành thời gian chuẩn bị, bạn chỉ cần lưu ý thêm một số điều sau để tạo nên một buổi phỏng vấn thành công
1. Chuẩn bị tinh thần thoải mái & đầy tự tin đứng trước người phỏng vấn:
Mang theo sổ, bút cùng bản sao sơ yếu lý lịch của bạn
Một buổi phỏng vấn có thể sẽ trao đổi rất nhiều thông tin về công việc, bạn không thể nào ghi nhớ hết tất cả mọi thông tin trong đầu. Vì thế, bạn cần chuẩn bị một quyển sổ tay nhỏ để có thể ghi lại những thông tin cần thiết như các yêu cầu chính của nhà tuyển dụng, nói vào trọng tâm những yêu cầu nhà tuyển dụng cần, hỏi ngược lại & xác nhận những yêu cầu chính thêm một lần nữa & nói chuyện & đặt câu hỏi xoay quanh đúng cái nhà tuyển dụng cần … Ngoài ra thì việc chuẩn bị các dụng cụ ghi chép còn cho thấy bạn là một người làm việc có khoa học, tỉ mỉ và có tính chủ động trong mắt nhà tuyển dụng.
Nếu có thể hãy mang theo ít nhất năm bản copy sơ yếu lý lịch của bạn, gạch chân những kinh nghiệm, trãi nghiệm tương thích theo yêu cầu của nhà tuyển dụng để buổi phỏng vấn của bạn trọn vẹn & không sót những gì bạn cần trao đổi với nhà tuyển dụng. Giúp họ hiểu hơn về bạn
Một lưu ý nữa là nên hỏi nhà tuyển dụng về thời gian họ dành cho bạn là bao lâu để cả hai đủ thời gian cho nhau & giúp tập trung vào những phần chính yếu, ra kết quả mong muốn cho bạn & nhà tuyển dụng sau buổi phỏng vấn
2. Đặt điện thoại ở chế độ im lặng
Cần kiểm tra điện thoại của mình trước khi bắt đầu buổi phỏng vấn. Nếu không có gì quan trọng, bạn nên tắt hoặc để chế độ rung cho máy. Tiếng chuông điện thoại vang lên rất dễ làm ngắt quãng buổi phỏng vấn.
Hãy nói tạm biệt với công việc tương lai khi nghe điện thoại trong lúc phỏng vấn. Thái độ bất lịch sự và không thực sự muốn làm việc là những điều nhà tuyển dụng sẽ nghĩ về bạn qua hành động đó.
3. Thực hành cách cư xử tốt và ngôn ngữ cơ thể.
Trước khi phỏng vấn, hãy hít thở thật sâu để giữ bình tĩnh cho bản thân. Ngồi thẳng lưng, duy trì giao tiếp bằng mắt với nhà tuyển dụng và luôn nở nụ cười. Một nụ cười sẽ có tác dụng làm dịu bớt những căng thẳng và tạo thiện cảm cho bạn trong mắt nhà tuyển dụng.
4. Âm lượng giọng nói
Âm lượng giọng nói của bạn cũng đóng vai trò khá quan trọng. Bạn có thể nói họ biết làm việc đó như thế nào, nhưng cách nói thiếu tự tin có thể khiến cho nhà tuyển dụng cảm thấy không tin tưởng trong lời nói của bạn.
Hãy dừng khoảng 5 giây trước khi trả lời những câu hỏi từ nhà tuyển dụng. 5 giây có thể hơi dài nhưng nhà tuyển dụng sẽ thấy rằng bạn có suy nghĩ chắc chắn trước khi đưa ra câu trả lời
5. Thái độ trung thực
Mặc dù có vẻ hấp dẫn khi tô điểm các kỹ năng và thành tích của bạn, nhưng các nhà tuyển dụng vẫn luôn muốn ứng viên trung thực, điều này giúp họ xác định được liệu bạn có phù hợp với công việc đang ứng tuyển hay không để tiết kiểm thời gian và chi phí tuyển dụng
Bên cạnh đó, hãy trung thực và khéo léo với các câu hỏi về điểm yếu và lĩnh vực kiến thức còn thiếu của bạn. Thay vì trả lời lấp liếm, hãy chọn một điểm yếu thực sự để nhà tuyển dụng thấy rằng bạn thừa nhận và đang nỗ lực cải thiện chúng.
2 lời khuyên cho sau cuộc phỏng vấn
Khi cuộc phỏng vấn kết thúc, hãy tạo cho mình cơ hội tốt nhất để tiến lên phía trước bằng cách thực hiện những điều sau:
- Hỏi về các bước tiếp theo
Sau cuộc phỏng vấn, bạn nên hỏi nhà tuyển dụng về những gì bạn nên làm tiếp theo. Đó có thể sẽ là một email với kết quả phỏng vấn của bạn, các yêu cầu bổ sung như nhiệm vụ hoặc danh sách tham khảo hoặc một cuộc phỏng vấn khác.
2. Gửi thư cảm ơn _ Nhớ xin name card người Phỏng vấn cho việc này.
Ngoài việc thể hiện phép lịch sự thông thường, một lá thư cảm ơn sau phỏng vấn còn phục vụ các mục đích khác. Theo nhiều khảo sát, có đến 63% nhà tuyển dụng cho biết họ có nhiều khả năng sẽ tuyển một ứng viên yêu cầu một mức lương cao và gửi thư cảm ơn sau phỏng vấn hơn là một ứng viên yêu cầu ít hơn nhưng không có bất cứ phản hồi nào, bởi việc im lặng có thể để lại ấn tượng rằng bạn không đủ nhiệt tình để đi xa hơn trong quá trình tìm việc.
Bên cạnh đó, gửi một mẫu thư cảm ơn sau phỏng vấn cho thấy rằng bạn tôn trọng thời gian của người phỏng vấn dành cho bạn cũng như thể hiện sự quan tâm của bạn đối với công việc và doanh nghiệp.
Trên đây là những dặn dò từ nhà HR Strategy đến mỗi ứng viên khi đi phỏng vấn. Hi vọng những chia sẻ này sẽ giúp bạn rút ngắn con đường tìm việc đến nhà tuyển dụng. Chúc bạn có một buổi phỏng vấn thành công và tìm được công việc như mong muốn. Anh chị có bất kỳ thắc mắc, phản hồi hoăc góp ý thì vui lòng liên lạc hotline 091 3540 339 để được tư vấn và hỗ trợ them
Đồng hành & cho nhau giá trị cùng HR Strategy nhé.