Nội dung của chương này không có ý thiếu tôn trọng hay bất kính. Mọi người cảm thấy không thoải mái khi giải quyết những vấn đề phổ biến nơi công sở và thường phớt lờ chúng. Đó là cách thức ít gây ra sự chống đối nhất, và nhiều nhà quản lý thường tránh đối đầu – nhất là nếu họ hy vọng vấn đề này sẽ tự nhiên mất đi. Nhưng bạn có trách nhiệm như thế nào với các nhân viên cũng như toàn bộ công ty khi xảy ra những tình huống khó xử nơi công sở? Quan trọng hơn, bạn nên nói gì để giải quyết vấn đề mà không khiến nhân viên liên quan cảm thấy bị xúc phạm hay bối rối?
Có lẽ bạn từng chứng kiến một tình huống như thế này: Một vài nhân viên đến gặp bạn vì một đồng nghiệp của họ có vấn đề về hơi thở và mùi cơ thể. Hay một nhân viên đến công ty với mái tóc rối bù, trông như vừa mới ngủ dậy, hoặc một nhân viên có một lỗ khuyên mới trên mặt hay một hình xăm ở nơi dễ nhận thấy. Thật tuyệt khi bạn có thể sử dụng một cuốn hướng dẫn giải pháp trong những trường hợp đó. Tuy nhiên, thông thường bạn cần đưa ra một giải pháp riêng biệt cho từng trường hợp cụ thể mà bạn phải đối mặt.
Tình huống 1: Mái tóc rối bù
Mái tóc rối bù có thể là kết quả của màu tóc mới, phong cách phóng túng và không được chải chuốt, hay đó có thể là bất cứ điều gì khác mà chúng ta làm với mái tóc của mình. Nếu một nhân viên xuất hiện trông như thể vừa đút ngón tay vào ổ cắm điện hay trưng diện kiểu tóc xoăn xấu xí so với kiểu tóc bình thường, bạn cần giải quyết tình huống này bằng cách sử dụng một vài biện pháp khéo léo sẽ được trình bày ở phần tiếp theo.
Giải pháp
Nhạo báng hay làm cho người khác xấu hổ nơi công cộng chỉ khiến họ thêm oán trách và tức giận. Mục đích của bất cứ biện pháp quản lý nhân viên nào trong những tình huống như thế này là đảm bảo nhân viên đó được đối xử tôn trọng. Vì vậy, chúng ta có thể giải quyết tình huống này bằng cách không quan trọng hóa vấn đề và sử dụng cách nói hài hước:
Leslie, đến phòng gặp tôi vài phút nhé. Tôi có một vài điều muốn chia sẻ với chị, và tôi không muốn làm chị tổn thương hay lúng túng. Chuyện này chỉ riêng hai chúng ta biết. Leslie, có lẽ mái tóc của chị được tạo kiểu hơi quá. Gần đây chị có ghé tiệm Opal’s Hair Palace không? Chị đừng để ý khi tôi nói rằng có vẻ như chị đang mang đến một thông điệp nào đó bởi vì mái tóc của chị mang phong cách khá là dữ dội. Theo tôi thì tốt nhất là giải quyết riêng vấn đề này với chị trước khi có ai đó phàn nàn. Vậy chị định làm gì với thứ này (chỉ vào chiếc mũ ni)?
Thông thường bạn sẽ thấy nhân viên đó bối rối và xin lỗi. “Ôi, sáng nay tôi đến phòng tập thể dục rồi không kịp chải đầu. Tôi sẽ vào nhà vệ sinh để chải lại tóc và chắc chắn là từ giờ sẽ ăn mặc gọn gàng và chú ý đến mái tóc của mình hơn khi đến công ty. Tôi xin lỗi vì điều này. Ai có ý kiến gì về mái tóc của tôi không? Tôi thấy xấu hổ quá!”
Nhưng bạn sẽ giải quyết ra sao nếu nhân viên đó nhìn bạn như thể bạn là một gã điên và tỏ ra tự hào về mái tóc mới của mình? Nếu bạn e ngại nhân viên đó cảm thấy khó chịu hay nếu họ không có phản ứng tích cực với cách giải quyết được đưa ra trước đó, hãy hạ thấp giọng và thảo luận vấn đề nghiêm túc hơn.
Leslie, đó không phải là kiểu tóc bình thường của chị. Và tôi tôn trọng phong cách ăn mặc của mỗi người. Tuy nhiên, ở công sở có một vài giới hạn mà mọi người thường phải tuân thủ – khách hàng có thể khó chịu, danh tiếng của công ty, đánh giá về công ty trong cộng đồng kinh doanh cũng như những điều tương tự. Chị có nghĩ rằng có thể một vài người cảm thấy kiểu tóc rối bù của chị hơi lạc lõng so với hình ảnh chung của công ty không?
Cách tốt nhất là dẫn con ngựa tới chỗ uống nước thay vì ép buộc nó uống nước. Nếu nhân viên nhận thấy điều bạn nói hợp lý và nghe theo những gợi ý của bạn, cô ấy sẽ nhận trách nhiệm và sửa lại mái tóc của mình. Tuy nhiên, nếu vẫn thấy nhân viên tỏ vẻ chống đối hay thách thức, bạn có quyền đưa ra kỳ vọng cũng như quy định, hướng dẫn của công ty.
Leslie, xin lỗi nhưng tôi không đồng ý với quan điểm của chị. Tôi gọi chị vào đây để chúng ta có thể nói chuyện riêng với nhau, và tôi muốn giải quyết vấn đề này bằng thái độ tôn trọng. Tuy nhiên, nếu chị khăng khăng mình có quyền để kiểu tóc này, tôi không thể đồng ý với chị. Nếu chị không để kiểu tóc khác gọn gàng hơn – giống kiểu tóc bình thường của chị – thì tôi sẽ phải trao đổi với phòng nhân sự (hay giám đốc) về cách giải quyết tốt nhất cho vấn đề này.
Tuy nhiên, tôi muốn trao đổi về đề xuất của tôi với phòng nhân sự. Tôi cho phép chị nghỉ làm có lương hết ngày hôm nay để quyết định liệu chị có muốn tiếp tục làm công việc này và thấy rằng yêu cầu của tôi hợp lý hay quyết định thôi việc.
Tôi luôn tôn trọng quyết định của chị. Nhưng chị cần phải hiểu rằng nếu chị không ăn mặc phù hợp, đây sẽ như yêu cầu thôi việc của chị. Trước hết, tôi muốn trao đổi với phòng nhân sự trước khi cho phép chị nghỉ hết ngày hôm nay để suy nghĩ về toàn bộ vấn đề, nhưng tôi muốn chị hiểu quan điểm của tôi về vấn đề này. Chị hãy tạm dừng làm việc với khách hàng cho đến khi tôi trao đổi xong với phòng nhân sự. Tôi sẽ thông báo ngay lại với chị.
Trong trường hợp này, bạn không bắt buộc phải trả lương cho nhân viên làm việc theo giờ. Tuy nhiên, bạn sẽ thấy đề nghị nghỉ có trả lương là một bước khôn ngoan. Nó cho thấy bạn là một nhà quản lý khôn ngoan, kiên nhẫn và biết cảm thông. Điều này khiến nhân viên cảm thấy có lỗi (thay vì tức giận). Ngược lại, nếu quyết định cho nhân viên đó nghỉ làm không lương, bạn chỉ cần tính lương đến thời điểm người đó rời khỏi công ty. Đối với lao động trả lương theo ngày, bạn nên trả lương cho toàn bộ ngày làm việc đó. Nếu không nhân viên có thể kiện công ty về vấn đề lương bổng và giờ làm việc, điều có thể đặt công ty bạn vào vấn đề pháp lý nghiêm trọng.
Ngoài ra, bạn nên thể hiện rõ ràng yêu cầu với nhân viên cũng như bình tĩnh giải thích hậu quả từ hành động của họ. Bạn không cần vội vàng quyết định chấm dứt hợp đồng lao động với nhân viên khi họ không tuân thủ quy định của công ty (nếu công ty có quy định về trang phục) hay không chịu phục tùng (vì không tuân thủ hướng dẫn). Thay vào đó, hãy cho phép nhân viên tự quyết định điều chỉnh theo tiêu chuẩn ăn mặc thông thường và tiếp tục làm việc tại công ty hay chấp nhận nghỉ việc. Đừng nghiêm trọng hóa vấn đề hay tỏ ra vội vàng mà hãy giải quyết bình tĩnh và tôn trọng cùng với yêu cầu và kết quả rõ ràng.
Lưu ý đặc biệt
Trước khi buộc nhân viên tạm thời nghỉ việc để suy nghĩ, bạn hãy trao đổi với phòng nhân sự hay ban giám đốc. Cuối cùng, khi sự việc tiến triển đến mức phải chấm dứt hợp đồng lao động, bạn sẽ không muốn tự mình phải gánh chịu tất cả trách nhiệm. Trước khi chính thức cho nhân viên tạm nghỉ việc để cân nhắc liệu người đó có muốn tiếp tục công việc hay không, hãy chắc chắn bạn đã thông báo cho tất cả các bên có trách nhiệm về ý định của mình.
Tình huống 2: Ăn mặc không thích hợp
Trong tình huống này, giả sử một nhân viên nữ mặc một chiếc áo quá hở hang đi làm. Cuộc nói chuyện này cũng có thể áp dụng trong trường hợp nhân viên nam mặc quần cạp trễ.
Giải pháp
Cách thức thông thường để giải quyết các tình huống khó xử nơi công sở là gọi riêng nhân viên đó vào văn phòng và bày tỏ mối lo ngại của bạn theo cách thích hợp. Tuy nhiên, trong trường hợp nhân viên nữ ăn mặc quá mát mẻ, nhà quản lý nam nên mời một quản lý nữ tham gia trao đổi để tránh bị đánh giá là phân biệt đối xử với nữ giới hay nghiêm trọng hơn là bị cáo buộc quấy rối tình dục. Bạn có thể mở đầu cuộc nói chuyện như sau:
Phyllis, tôi muốn trao đổi vài điều với chị về cách ăn mặc nơi công sở. Tôi cũng mời Joan tham dự cuộc nói chuyện này. Tôi không muốn làm chị khó chịu và cũng hơi ngại khi nói về vấn đề này bởi nó liên quan đến bộ quần áo khá “mát mẻ” mà chị mặc hôm nay. Tôi e rằng trang phục của chị có thể khiến một vài khách hàng cảm thấy không thoải mái. Chị có thể giúp tôi giải quyết vấn đề này không?
Nhân viên này có thể phản ứng tích cực khi nói: “Xin lỗi, nhưng tôi không nghĩ là bộ quần áo này quá hở hang. Anh thực sự cho rằng bộ quần áo này không phù hợp à?” Sau đó bạn có thể trả lời, “Bình thường thì bộ quần áo này rất đẹp, nhưng khi chị cúi xuống thì nó lại khá là hở hang. Tôi không muốn làm chị bối rối, cũng không muốn khách hàng cảm thấy khó chịu. Vì thế, chúng ta cần tìm ra phương án tốt nhất cho vấn đề này.”
Kết cục hợp lý nhất có thể là, “Tôi xin lỗi nếu bộ quần áo này khiến mọi người cảm thấy không thoải mái. Vì không có bộ quần áo nào nữa ở công ty, tôi sẽ về nhà và thay bộ khác. Tôi sẽ trở lại trong khoảng 45 phút.” Theo đó, cô ấy đã tiếp thu góp ý và sẽ cân nhắc lại về cách ăn mặc mỗi ngày. Một kết cục tốt đẹp!
Tuy nhiên, sẽ ra sao nếu nhân viên đó phản đối lời góp ý nhẹ nhàng của bạn: “Tôi thấy bộ quần áo này hoàn toàn phù hợp và không hề làm ai khó chịu cả. Tôi rất tiếc nếu anh không thích bộ quần áo này, nhưng tôi thấy công ty không có quy định về trang phục.” Khi đó, bạn hãy cẩn thận vì nhân viên có thể có động cơ thầm kín hay chỉ đơn giản muốn thách thức bạn. Trong cả hai trường hợp, bạn đều cần giúp đỡ, đặc biệt nếu bạn là người giám sát nam.
Hãy để nhân viên biết bạn đang lắng nghe điều cô ấy nói nhưng bạn muốn trao đổi thêm với phòng nhân sự (hoặc các bộ phận liên quan khác như bộ phận pháp lý hay hành chính). Nhân viên đó vẫn có thể làm công việc giấy tờ (nhưng tránh tiếp xúc với khách hàng) trong khi bạn tìm hiểu kỹ vấn đề này. Sau khi phòng nhân sự tán thành giải pháp của bạn, bạn có quyền cho nhân viên đó tạm nghỉ làm để cân nhắc quyết định, tương tự trong tình huống 8.
Tình huống 3: Đeo khuyên
Giả sử một ngày, người phụ trách dịch vụ khách hàng đến công ty với một chiếc khuyên kim loại ở lông mày và một chiếc ở môi. Sau giây phút ngạc nhiên, bạn nghĩ: “Anh ta không thể gặp gỡ khách hàng trong bộ dạng như vậy được!”.
Giải pháp
Bạn có thể mở đầu cuộc nói chuyện theo cách sau:
Michael, tôi muốn nói chuyện về phong cách thời trang của anh. Tôi không định làm cho anh bối rối. Tôi tôn trọng sự riêng tư của anh, và không muốn quản lý cuộc sống cá nhân của anh. Nhưng liệu anh đã cân nhắc kỹ rằng chiếc khuyên ở lông mày cũng như ở môi có thể ảnh hưởng như thế nào tới khách hàng của mình? Nếu một số khách hàng cảm thấy khó chịu với phong cách này, anh có sẵn sàng tháo chúng ra không? Anh nghĩ sao?
Giá trị của phương pháp này nằm ở sự tinh tế và tính hợp lý. Rất ít công ty đưa ra quy định hạn chế nhân viên nam để râu hay yêu cầu nhân viên nữ mặc váy đến công sở. Hiện nay, thậm chí các cố vấn cho những công ty kế toán lớn còn mặc những bộ trang phục giản dị thay vì áo vest xanh kết hợp cà vạt đỏ như trước. Tuy vậy, việc xỏ khuyên dường như bắt đầu từ quan điểm gợi mở về các giá trị trong cuộc sống và quyền con người. Tóm lại, đây không phải là vấn đề có thể nhận định hời hợt.
Nếu sau cuộc nói chuyện, nhân viên đồng ý không đeo khuyên nữa hay tháo nó ra khi gặp gỡ khách hàng, bạn đã hoàn thành mục tiêu. Khi nhân viên thấy mình được đối xử tôn trọng và không bị áp đặt, họ hầu như sẽ đồng ý với những thay đổi khiến công ty hài lòng mà vẫn cho phép họ duy trì các sở thích cá nhân của mình.
Mặt khác, nếu nhân viên khăng khăng mình có quyền trưng diện quần áo hay phụ kiện gì tùy thích, bạn có quyền cho người đó nghỉ làm tạm thời để suy nghĩ. Tương tự Tình huống 8, bạn cũng có quyền cho nhân viên đó nghỉ việc ngay lập tức nếu không còn sự lựa chọn nào khác. Nhưng trước đó bạn đừng quên đề nghị phòng nhân sự hay pháp lý tán thành giải pháp của bạn.
Tình huống 4: Hình xăm
Đeo khuyên ở lông mày và môi còn có thể tháo ra được nhưng hình xăm thì khó có thể xóa, thậm chí là không thể. Bạn sẽ giải quyết thế nào với những hình xăm của nhân viên? Cách nói chuyện có thể khác nhau nhưng giải pháp thì vẫn tương tự: Cởi mở trao đổi thể hiện sự quan tâm của bạn, lắng nghe ý kiến của nhân viên và sau đó tìm biện pháp thích hợp với cả hai bên.
Giải pháp
Bạn có thể bắt đầu cuộc nói chuyện như sau:
Eileen, tôi nghe nói rằng chị vừa có mấy hình xăm mới. Mặc dù tôn trọng sở thích cá nhân của chị, nhưng với vai trò là người giám sát y tá tại bệnh viện, tôi tự hỏi không biết các bệnh nhân sẽ nghĩ như thế nào. Thực ra thì chúng ta đang làm việc tại một bệnh viện khá bảo thủ, nhưng điều đó không có nghĩa là mọi người hành động như những con robot hay kìm nén các sở thích cá nhân. Vì thế, chúng ta hãy tìm ra một biện pháp thích hợp để giải quyết chuyện này. Suy nghĩ ban đầu của chị là gì vậy?
Hầu hết nhân viên sẽ đưa ra các phương án nhằm hạn chế tối đa ảnh hưởng của vấn đề này tại nơi làm việc: “Có lẽ tôi sẽ mặc quần thay vì mặc váy để che hình xăm ở cổ chân, và sẽ mặc áo blouse có cổ để bệnh nhân không thấy được hình xăm con nhện ở gáy.” Và bạn đã thành công – cách giải quyết hợp lý dẫn đến phản ứng thích hợp. Nhân viên sẽ phản ứng hợp lý với yêu cầu của bạn nếu như bạn thể hiện sự tôn trọng và hiểu rõ cá tính từng người.
Tuy nhiên, đôi khi nhân viên chống đối bạn chỉ vì một hình xăm mới. Nếu nhân viên từ chối nói chuyện thẳng thắn với bạn, giải pháp cho nhân viên nghỉ làm để suy nghĩ tương tự như trong Tình huống 8 là khá thích hợp. Ngoài ra, nếu có lý do chính đáng không cho phép nhân viên xăm mình, bạn có quyền chấm dứt hợp đồng lao động với người đó.
Tình huống 5: Hơi thở có mùi
Giả sử một nhóm nhân viên đến gặp bạn để phàn nàn rằng hơi thở của một đồng nghiệp khiến họ không thể chịu đựng nổi. Hơi thở nặng mùi thường do đồ ăn có nhiều tỏi hay vệ sinh cá nhân không sạch sẽ. Dù vì lý do gì, nhóm nhân viên này cũng không phải chịu đựng hoàn cảnh như vậy, nhất là khi mức độ sạch sẽ của một cá nhân lại là nguyên nhân gây ra vấn đề.
Giải pháp
Cũng như tất cả các tình huống khó xử nơi công sở, bạn hãy giải quyết vấn đề này một cách tôn trọng thông qua những cuộc gặp gỡ riêng. Mục đích của bạn là giải quyết vấn đề mà không gây tổn hại tới lòng tự trọng của nhân viên hay làm người đó bối rối. Bạn có thể mở đầu cuộc nói chuyện với nhân
viên theo cách sau:
Dominic, tôi muốn trao đổi với anh một chuyện. Vấn đề này khá tế nhị và làm tôi hơi khó xử, vì thế tôi sẽ trao đổi hết sức ngắn gọn và thẳng thắn. Có lẽ anh có vấn đề với hơi thở của mình.
Anh biết đấy, chúng ta thường cảm ơn nếu ai đó nhắc nhở mình về một cọng rau mắc ở răng hay khóa quần chưa kéo. Và cuộc nói chuyện này cũng có mục đích như vậy, vấn đề này thật khó nói nhưng nó thực sự phục vụ lợi ích của anh.
Tôi biết vấn đề này thường xuất hiện do ăn thức ăn chứa nhiều tỏi hay gia vị. Vậy anh có thể làm gì để giải quyết nó?
Về phần nhân viên, cách phản ứng hợp lý là xin lỗi vì vấn đề đó và hỏi liệu còn có ai khác nhận thấy không. Trong những tình huống như vậy, tốt nhất là thành thật dù bạn muốn nhẹ nhàng đưa ra thông điệp: “Tôi e rằng mình không phải người duy nhất nhận ra điều này. Nhưng các đồng nghiệp của anh đến gặp tôi vì quan tâm đến anh chứ không phải muốn anh gặp rắc rối. Họ cũng cảm thấy khó nói ra điều này cũng giống như tôi vậy. Tôi hy vọng chúng ta có thể thống nhất rằng đây là một vấn đề có thể giải quyết.”
Đó là tất cả những gì bạn cần để giải quyết vấn đề này mà không cần căng thẳng. Với những vấn đề liên quan đến vệ sinh cá nhân, nhân viên thường sẽ tự xử lý để tránh cảm giác xấu hổ cũng như áp lực từ phía đồng nghiệp. Nếu lại xảy ra vấn đề tương tự, bạn hãy nhắc Dominic về cuộc nói chuyện trước, “Có vẻ như vấn đề về hơi thở của anh lại tái diễn. Liệu anh có thể tự giải quyết không?”
Nhưng nếu buộc phải trao đổi lại, hãy nói thêm một câu trước khi kết thúc: “Dominic, tôi muốn anh thực hiện ngay cam kết và chúng ta sẽ không phải bàn về vấn đề này thêm một lần nào nữa.” Nhờ đó, bạn có thể yên tâm rằng từ giờ, đây sẽ không còn là vấn đề nữa.
Một cuộc trao đổi khó khăn có thể tạo nên khác biệt giữa thành công và thất bại đối với một nhân viên. Hãy nắm bắt và làm chủ cuộc nói chuyện khó khăn này. Bạn có trách nhiệm với nhân viên, vì họ có thể không nhận ra những tác động từ hành vi của mình.
Tình huống 6: Mùi cơ thể
Mùi cơ thể là một vấn đề khó xử do bản chất của nó, nhưng bạn đừng mong chờ nhân viên nhận thức được đây thực sự là vấn đề. Trong bất cứ trường hợp nào, một nhân viên không nên khiến đồng nghiệp cảm thấy khó chịu vì mùi cơ thể của mình và cần có những cách giải quyết khéo léo cho vấn đề này.
Giải pháp
Bạn có thể tham khảo ví dụ sau:
Roger, tôi muốn gặp riêng anh vì cần trao đổi với anh một chuyện theo cách riêng tư, kín đáo và tế nhị. Có lẽ anh không nhận ra rằng mình có vấn đề về mùi cơ thể. Đây thực sự không còn là vấn đề cá nhân nữa vì nó gây ra sự khó chịu nơi làm việc. Chúng ta cần tìm cách giải quyết vấn đề này.
Trước đây, tôi cũng từng phải trao đổi vấn đề này với một vài nhân viên và họ thường không nhận ra nó. Tôi không định làm cho anh khó chịu, nhưng tôi muốn hỏi là anh có nhận thức được vấn đề này không và có thể làm gì để chấm dứt nó?
Đây là một giải pháp khá dễ chịu nhằm tránh đặt mọi người vào tình huống khó xử. Bạn có thể cho phép Roger về nhà để tắm rửa và sau đó trở lại công ty làm việc.
Những người có thói quen vệ sinh kém có thể không cảm nhận được ảnh hưởng của vấn đề tới các đồng nghiệp. Cuộc nói chuyện của bạn kết nối vấn đề vệ sinh cá nhân với xử lý công việc. Nó giúp bạn có lý do rõ ràng để giải quyết vấn đề như một phần trong khâu đánh giá hiệu quả làm việc của nhân viên.
Lúc này, bạn có thể kết thúc cuộc nói chuyện bằng giọng điệu tích cực: Roger này, tôi ở đây để giúp đỡ anh trong khả năng cho phép. Tôi luôn ủng hộ nếu anh muốn có một chiếc quạt ở phòng làm việc hoặc thay đổi lịch làm việc để có thời gian cho vệ sinh cá nhân. Hãy nói xem tôi có thể giúp gì cho anh? Tôi không muốn phải trao đổi lại vấn đề này với anh bởi vì nó làm tôi khó xử. Vậy anh định giải quyết vấn đề này như thế nào trong thời gian tới?
Lưu ý đặc biệt
Nếu nhân viên đưa ra các lý do giải thích vượt khỏi vấn đề vệ sinh cá nhân (như vì bệnh tật), hãy ngăn lại trước khi anh ta đi sâu vào chi tiết. Bạn không cần lý do gây ra mùi cơ thể của nhân viên. Thay vào đó, hãy cho Roger biết rằng nếu cần chữa bệnh, anh ta nên xin nghỉ khám bệnh. Nếu công ty có Chương trình Hỗ trợ Nhân viên (EPA), bạn hãy cung cấp cho nhân viên đó thông tin về chương trình này cũng như các địa chỉ hữu ích để giúp anh ta giải quyết vấn đề khó xử về mùi cơ thể.
Cuối cùng, nếu nhân viên vẫn tiếp tục gặp vấn đề về mùi cơ thể và nó không liên quan tới các điều kiện y tế, bạn cần thông báo với nhân viên đó là không vệ sinh sạch sẽ khi đến nơi làm việc là thiếu chuyên nghiệp và ảnh hưởng tới năng suất lao động. Cảnh cáo nhân viên rằng nếu bạn phải trao đổi lại vấn đề này thì anh ta sẽ phải nhận hình thức kỷ luật thích đáng.
Tình huống 7: Mùi cơ thể do vấn đề bệnh lý
Nghiên cứu kỹ trường hợp trước đó, đôi khi mùi cơ thể bắt nguồn từ các vấn đề về bệnh mãn tính như béo phì hay phẫu thuật túi ruột kết. Giải quyết trường hợp này khó khăn hơn một chút bởi nó không tất yếu là những vấn đề về thân thể mà nhân viên có thể kiểm soát. Ngoài ra, Đạo luật về Người khuyết tật Hoa Kỳ (ADA) có thể điều chỉnh những vấn đề này, vì vậy hơn cả sự nhạy cảm ở nơi làm việc, đây có thể là một vấn đề liên quan đến luật pháp.
Giải pháp
Bạn hãy nói chuyện theo cách sau:
Joan, tôi muốn chị nhận thức được vấn đề mà tôi đề cập đến và tôi cần chị giúp đỡ. Gần đây có một mùi khó chịu tỏa ra từ bàn làm việc của chị khiến các đồng nghiệp không thể tập trung làm việc. Mùi này thường xuất hiện vào cùng thời điểm mỗi tháng. Chị không cần phải nói với tôi chi tiết nguyên nhân vấn đề này. Tôi muốn chị đưa ra những giải pháp thích hợp.
Hãy nhắc nhở nhân viên tập trung vào tác động của vấn đề thay vì trình bày nguyên nhân của nó. Hỏi nhân viên cách giải quyết vấn đề: “Tôi tin rằng chị hiểu rõ đây là một vấn đề như thế nào.” Câu trả lời thường gặp của nhân viên là, “Ngày mai tôi sẽ đi khám và xem có cách nào giải quyết vấn đề này không.” Đây là phản ứng của nhân viên mà bạn mong muốn trong những trường hợp như thế này.
(Trích sách “101 tình huống nhân sự nan giải” – PAUL FALCONE)
📌 ACE có nhu cầu đào tạo thì LIÊN HỆ với Shasu Training qua hotline: 0918150881 để được tư vấn cụ thể nhé.
📌 Để được cập nhật một cách nhanh nhất về các xu hướng đào tạo, thân mời ACE tham gia vào Group Zalo: https://zalo.me/g/aiaujw025
Tại đây, Shasu Training luôn cập nhật các khóa đào tạo và hỗ trợ ACE làm Kế hoạch đào tạo (annual training plan).
Trân trọng,
Shasu Training Solutions – Đồng hành & cho nhau giá trị
🔸 Web: https://training.shasugroup.com/
🔸 Facebook: https://www.facebook.com/shasutrainingsolutions